“Đến mà ngồi vào chỗ cuối”, nghe sao lạ thật! Không lạ sao được, khi đời sống con người ngày càng được nâng cao với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật thì việc sống hưởng thụ: danh – lợi – thú đang được người thời nay chú trọng và tìm mọi cách để đạt được. Có thể nói, khẩu hiệu của Hội dòng: “Đến mà ngồi vào chỗ cuối”, dường như không thích hợp với đa số người đời, nếu không muốn nói là ngược đời. Thế nhưng, với tu sĩ Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Tình Thương lại có một giá trị và ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong việc thực thi Linh đạo: yêu thương, khiêm tốn?
Một ai đó, nếu muốn đến một nơi nào khác thì điều đầu tiên họ phải rời bỏ vị trí cũ hoặc nơi mình đang ở để đến một nơi mới. Hay muốn đón nhận một điều gì mới mẻ họ cũng cần bỏ đi những gì cũ kỹ, không thích ứng với cái mới. Điều này cũng ngầm chứa một sự chấp nhận thay đổi, từ bỏ một lối nhìn, suy nghĩ, quan điểm riêng của mình để đón nhận cái nhìn của Chúa. Hiểu theo nghĩa đen, chỗ cuối là chỗ sau hết, chỗ ít người thích.
Hiểu theo nghĩa bóng, chỗ cuối là chỗ đi ngược với ý muốn của chúng ta, là chỗ ta không ưa, không thích…Khẩu hiệu Hội dòng: “Đến mà ngồi vào chỗ cuối” nghĩa là chúng ta luôn luôn tuân phục ý Thiên Chúa, Đấng chọn cho tôi, chứ không phải chỗ cuối người ta không ngồi, chỗ hèn mọn người ta không đếm xỉa tới.“Ngồi vào chỗ cuối” còn mang một ý nghĩa sâu xa là tôi luôn vâng phục ý Chúa qua Hội dòng, sẵn sàng đến ngồi vào chỗ, vào nơi mà Hội dòng chỉ cho tôi, thậm chí nơi nào chị em không muốn đến thì tôi là người tự nguyện bước đến mà ngồi vào. “Ngồi vào chỗ cuối” nói lên phần nào căn tính của tu sĩ Nữ tỳ Chúa Giêsu Tình Thương qua vâng phục trong yêu thương.
Là nữ tu của Hội dòng này, tôi tự nguyện bước theo Chúa Giêsu Nhập Thể sống nghèo khó, khiêm hạ trong máng cỏ nên việc “Hạ mình xuống”, “Đến mà ngồi vào chỗ cuối” lại là phương thế, là điều kiện tuyệt hảo để tôi dễ dàng sống và thực thi trọn vẹn linh đạo Hội dòng mà Hiến Chương số 25 đã khẳng định:“Chúng ta luôn sẵn sàng “đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng” theo lệnh Đức Giám Mục sở tại, luôn đặt trọng tâm vào việc yêu thương phục vụ thành phần anh chị em kém may mắn, nghèo đói. Để qua những việc bác ái phục vụ này, đưa nhiều người về với Giáo hội” (HC 25). Để sống được tinh thần của Chúa, đòi hỏi tôi phải dứt khoát từ bỏ những gì thế gian tìm kiếm: danh lợi, quyền bính, địa vị… để mặc lấy tâm tình khiêm hạ của Chúa Giêsu hầu có thể đến bất cứ chỗ cuối nào mà Chúa muốn tôi đến; chỗ cuối đó không nhất thiết phải là chỗ hèn mọn, chỗ cuối cùng nhưng là chỗ Bề trên chỉ cho tôi, là chỗ tôi nhìn thấy người khác cần đến tôi, là chỗ chẳng ai quan tâm, để ý…Thật khó có thể sống đúng khẩu hiệu của Hội dòng, nếu tôi không đủ can đảm buông bỏ những gì thuộc về “cái tôi”: tính kiêu ngạo, tự ái, ích kỷ, so đo tính toán hơn thua để sẵn sàng lội ngược dòng đời bước đến với mọi chị em không cùng quan điểm, tính tình với tôi như Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma:“…vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người” (Rm12, 15).
Khi tôi sống đúng tinh thần khiêm tốn của Hội dòng “ngồi vào chỗ cuối”, tôi sẽ học cách yêu những công việc bé nhỏ mỗi ngày, những công việc âm thầm, những bổn phận tôi được trao phó. Tôi cũng vui lòng đón nhận những thập giá tuy nhỏ nhưng làm tim tôi bao lần đau đớn. Đồng thời, tôi cũng biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ: đơn sơ nhận ra mình yếu đuối và bất toàn, sung sướng tựa nương vào một mình Chúa là Đấng Duy Nhất. Hơn thế nữa, chính tình yêu của Chúa là động lực giúp tôi can đảm, dám chọn những gì giúp tôi trở nên khiêm tốn hơn, nhờ đó tôi vui tươi phục vụ mọi người và hạnh phúc thấy Chúa lớn lên trong tôi. Nói thì dễ, nhưng để sống được điều Chúa và Hội dòng mong muốn, tôi phải can đảm tránh xa cám dỗ tự cao, tự đại, cậy dựa vào khả năng và sự hiểu biết của mình mà quên đi ơn Chúa ban và sự cộng tác của chị em. Vì thế, trên con đường tiến đến “Đức Ái Trọn Hảo” tôi cần đến ơn Chúa rất nhiều, cần đến sự nâng đỡ, góp ý của nhiều người, nhất là Bề Trên và những chị em đang cùng làm việc với tôi. Nhờ đó, tôi không còn lo lắng, e ngại ngồi vào chỗ cuối nữa. Vì từ nay, tôi có “Tình Yêu” là động lực để tiến lên mỗi ngày.
Xã hội hôm nay có rất nhiều chỗ cuối. Trong Giáo phận Qui Nhơn nơi tôi đang sống đời tu, cũng có rất nhiều chỗ cuối. Trong Hội dòng tôi đang sống, trong từng căn phòng, từng sinh hoạt hàng ngày cũng có rất nhiều chỗ cuối. Thật vậy, thực tế không thiếu chỗ cuối chỉ thiếu người sẵn sàng được sai đến và tự nguyện ngồi vào chỗ cuối để phục vụ với tình yêu phi thường.
Nt.Maria Nguyễn Thị Ngoan