CHUYỆN KỂ “CHÍN NĂM”
(Thánh lễ tạ ơn nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày ký sắc lệnh thành lập Hiệp Hội công Kitô hữu Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương: 20.4.2012– 20.4.2021)
Những người dân ở 4 tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, hay còn được gọi là “Liên khu năm”, vào lứa tuổi “U 60” trở lên, người ta hay nhắc tới “cái thời 9 năm”. Vâng, đây là khoảng thời gian từ năm 1945 – 1954, thời kháng chiến chống Pháp. Đây chính là thời gian, mà mỗi khi nhắc tới là người ta liên tưởng tới chiến tranh, bom đạn, đói nghèo, áp bức, đấu tố…; và kết thúc cái “thời chín năm” đó là trận đánh Điện Biên phủ chết hàng hàng lớp lớp để đưa tới kết quả không mấy hay ho là Hiệp định Genève chia đôi hai miền đất nước.
Sở dĩ nhắc lại câu chuyện “thời chín năm kháng chiến”, bởi vì các chị, các em Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương hôm nay cũng đang họp nhau mừng Kỷ niệm “chín năm” ngày Hội Dòng được chính thức khai sinh với “Sắc lệnh thành lập Hiệp Hội Công Kitô hữu Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương”, được Đức Cha Phêrô kính yêu ký ngày 20.4.2012.
Thời gian “Chín năm” qua của quý chị, cũng có thể nói được là “thời kỳ kháng chiến”: “kháng chiến” với những tháng ngày phiêu dạt đây đó, “kháng chiến” với một cở sở Làng Sông âm u hoang phế; “kháng chiến” với những chật vật khó khăn thiếu trước hụt sau; “kháng chiến” với những nhọc mệt dọn dẹp vườn tược trước sau um tùm đá gạch, cỏ cây, rắn rết (rắn bò vô tận nhà nguyện…); “kháng chiến” với những đêm đông hoang lạnh buồn nãn, cô đơn, sợ hãi… kể cả sợ ma. (Nói tới sợ ma, có chị sợ đến nỗi thấy bóng chị em mình chạy mà cứ tưởng là ma đuổi nên sợ đến nỗi…..)…; “kháng chiến” với đời sống cộng đoàn đa tạp, kẻ Bắc, người Nam, kẻ đồng bằng người sơn cước, ngôn ngữ, văn hoá bất đồng; “kháng chiến” giữa chị em với nhau, với bề trên, với những người đặc trách…
Thế nhưng, tạ ơn Chúa biết bao. Kết thúc con đường dài “9 năm kháng chiến” của quý chị đã không kết thức với “trận Điện Biên Phủ tàn khốc chết người” và “Hiệp ước Genève chia lìa ngăn cách”, mà là một cộng đoàn sum họp chị em được Giáo phận tin tưởng, được Dân Chúa mến yêu, được cả những lương dân, các tôn giáo bạn và chính quyền dân sự trân trọng nâng đỡ….
Chắc chắn, hơn ai hết, các chị hiểu được cái lý do để có được cái kết quả diệu kỳ sau chín năm “trường kỳ kháng chiến” nầy; cái lý do mà chính các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố sẽ là những “mật khẩu” giúp chúng ta hiểu và xác tín hơn.
Thật vậy, nếu đặt dịp “tạ ơn kỷ niệm 9 năm của Hội Dòng” hôm nay trong ánh sáng của những ngày Hội Thánh “nối dài niềm vui Phục Sinh”, chúng ta chợt nhận ra rằng: Hội Thánh thuở ban đầu cũng đã đi qua những tháng ngày “9 năm dập dìu nguy khó”.
Trích sách Công vụ Tông Đồ vừa kể lại câu chuyện tử đạo của Thánh Stêphanô, Vị Chứng Nhân đầu tiên của Kitô Giáo, hoa quả đầu mùa của công trình Vượt Qua của Đức Kitô, và là dấu chỉ sống động của một kẻ thuộc trọn về Chúa Kitô qua hành động, cuộc sống và cả cái chết của mình: Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa.
Vâng, Hội Thánh lớn lên, Hội Thánh phát triển nhờ những “hạt lúa mì” như thế, những con người luôn biết lắng nghe và vâng phục Chúa Thánh Thần, chứ không phải những kẻ mà chính thánh nhân nghiêm khắc quỡ trách: “cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần”; và đó cũng là những con người sống theo con đường Tám Mối Phúc thật, trong đó có con đường “phúc cho những ai trong sạch trong lòng”, nên mới được, như thánh Stêphanô: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.
Và còn nhờ gì nữa ? Thưa nhờ một thứ “lương thực trường sinh” mà các cộng đoàn tiên khởi được ban tặng qua các cuộc họp mừng “Bẻ bánh”, một dấu chỉ trở thành “căn tính” của các Kitô hữu: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2,42).
Chín năm qua hay những năm dài của các chị cũng thế. Chắc chắn điều hấp dẫn chúng ta, quy tụ chúng ta, gắn kết chúng ta… không phải là “bờ xôi ruộng mật”, không là “yến tiệc linh đình”, không là “lụa là gấm vóc”, “xe ngựa thênh thang”…; cũng không phải những thứ mà các bạn trẻ hôm nay kiếm tìm như những nhu cầu không thể thiếu: điện thoại di động, tự do lướt web, tấm bằng đại học danh giá, việc làm ổn định lương cao, một mối tình vắt vai lãng mạn… Cần lắm chứ, thích lắm chứ ! Có lẽ đó chính là những thứ “bánh vật chất” mà ngay từ 2000 năm trước, người Do Thái đã ngộ nhận để xin Đức Kitô cho bằng được: Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Nhưng các chị hôm nay thì khác. Nếu chưa toàn tâm toàn ý để chấp nhận “ngồi vào chỗ cuối”, chọn Đức Kitô nhập thể để sống nghèo và phục vụ người nghèo (như Linh đạo của Hội Dòng), thì ít nhất, mỗi ngày có một “điểm tựa tuyệt hảo” là được múc lấy nguồn sống và yên ủi nơi Tiệc Thánh Thể, nơi Tấm Bánh bởi trời, như Đức Kitô xác quyết trong Tin Mừng Gioan vừa được công bố: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
Mà không chỉ các chị thôi đâu ! Cả chúng tôi nữa, cả Hội Thánh. Nếu không quy hướng về Thánh Thể và để Thánh Thể nuôi dưỡng mỗi ngày, tất cả chúng ta không “lớn nỗi thành Kitô hữu đích thực”; và chắc chắn sẽ khó bề đi vào dự Tiệc Trường Sinh ! Bởi vì, chỉ có những “Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).
Trong dịp kỷ niệm “9 năm” hành trình của Hội Dòng, có một hình ảnh rất ý nghĩa đó là các chị mới vừa gặt xong vụ lúa đầu tiên. Nhớ những ngày gieo hạt giống trong mưa lạnh, bùn lầy của Mùa Vọng…, bây giờ những hạt lúa vàng tươi trở về trong hoan ca Phục Sinh. Con đường theo Chúa của chúng ta, cuộc đời thánh hiến của quý chị, chắc chắn sẽ không theo một lối nào khác, ngoài quy luật muôn đời: “Hạt lúa gieo vào lòng đất mục nát đi sẽ trổ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24).
Trong dịp kỷ niệm đặc biệt nầy, chỉ xin mượn lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, như một lời nguyện chúc cho toàn thể Hội Dòng: “Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con” (Tv 30,3-4). Amen.
Linh Mục Giuse Trương Đình Hiền