Khi Nào Cây Lúa Trổ Bông


Ai bảo con gái chân yếu tay mềm thì không thể cáng đáng được chuyện đồng áng. Ai bảo “em hiền như ma sơ”, ăn cơm nhà Chúa rồi múa tối ngày. Ai bảo là Nữ tỳ thì không biết việc nhà nông, và nếu có ai bảo gì thì xin mời đến với Nữ tỳ để cùng chúng tôi trải nghiệm vụ mùa đầu tiên trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.

Sau giờ cơm tối hôm ấy, Dì Phụ trách hỏi: Trong các con ai đã từng làm ruộng?

Khoảng phân nửa giơ tay vì đa số chị em chúng tôi đều xuất thân từ con nhà nông chính hãng mà. Dì hỏi tiếp: Vậy ai muốn làm ruộng? Cả nhà hăng hái giơ tay, từ chị lớn đến em nhỏ ai cũng hào hứng: dạ con, dạ con… Dì bảo: Vậy năm nay nhà mình bắt tay vào làm ruộng nha. Chúng tôi đồng thanh: “dạ” thật to.Cứ nghĩ chắc năm sau hay năm sau nữa mới bắt đầu, ai dè qua buổi họp cộng đoàn đầu tiên, thấy xuất hiện một ban mới đó là Ban Nông Nghiệp, với trách nhiệm là lên kế hoạch cho vụ mùa sắp tới.

Vào khoảng đầu tháng 11, chị em bắt đầu đi phát bờ, làm cỏ. Bình thường, chúng tôi cũng được xếp vào lớp “dễ coi”, là cành vàng lá ngọc của ông Giêsu nhưng khi ra đồng thì cũng ra dáng bác nông dân không thua gì ai. Thế nhưng, với tất cả sự hào hứng, vừa bước xuống ruộng, một tiếng áh thật to. Giật mình quay lại, chị em nhốn nháo hỏi: Sao vậy? Sao vậy? Một em trả lời với khuôn mặt méo xệch: “Chị ơi, sao ruộng giơ quá vậy, bùn thì hôi, nước lõm bõm thế này thì ai mà làm cho được”. Em khác cũng tranh thủ cơ hội: Chị ơi, ruộng có con sâu không, em sợ sâu lắm nếu có là em đi về đó. Chưa dứt lời, một em khác la thật to: Á, chị ơi, con gì đây? Có phải đỉa không, nó đang bu lên tay em nè. Không ai bảo ai, tất cả chị em đều đổ dồn ánh mắt về phái đó, lạnh sống lưng… vì đối với nhiều người thì đây là lần đầu tiên thấy đỉa. Chúng tôi đã bắt đầu vụ mùa như thế đó, chị dìu em, em giúp chị, tất cả cùng chung tay vào một sứ vụ mới, không phải để tìm miếng cơm manh áo hay để cải thiện cuộc sống, nhưng mục đích chính mà Hội dòng muốn trao gởi: “Là thái độ sống phó thác vào Thiên Chúa và biết liên đới với người khác, nhất là những người nghèo đói”. (trích HC 77) Vì chúng ta không thể cho cái mà mình không có, và cũng không thể là chứng nhân cho Chúa Giêsu Tình Thương nếu không có nếp sống chan hòa với người khác, biết vui với người vui, cùng khóc với người khóc và biết sẵn sàng chia sẻ nếp sống lao động với người nghèo khổ để “yêu thương phục vụ con người, và đem nhiều người về với Chúa”. (trích HC 138).

Khi bắt tay vào việc tôi mới thấu hiểu được phần nào nỗi cơ cực, vất vả thế nào là “dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” của những bác nông dân quanh năm suốt tháng gắn bó với nương đồng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Tôi chợt chạnh lòng khi nhớ đến những giọt mồ hôi thấm đẫm tấm lưng của ba và làm ướt manh áo của mẹ. Ba mẹ đã dành tất cả tình thương cho tôi vậy mà đâu được mấy lần tôi nói câu “cảm ơn” cho nên.

Qua vụ mùa đầu tiên đã để lại trong tôi thật nhiểu trải nghiệm. Khi những hạt giốngđược gieo xuống, chị em đã chọn lựa giống thật cẩn thận, đã cầu nguyện xin ơn Chúa chúc lành và hằng ước mong sao hạt giống được lớn lên, được đơm bông kết trái, hạt sẽ được 30, hạt 60 và hạt được 100(Mc4,8). Phải chăng khi sinh tôi vào đời, ba mẹ cũng đặt nơi hạt mầm đời tôi tất cả tình yêu và hy vọng. Khi gieo ơn gọi đời tôi vào Hội dòng này, cũng là lúc Chúa cũng muốn tôi được phát triển và vững mạnh, biết trổ hoa ở nơi tôi được ươm trồng như lời Đức Hiền Phụ Phêrô đã nhắn gởi thuở nào.

Tiếp đến, khi cây lúa lớn lên cũng là lúc cỏ lùng phát triển, lắm lúc tôi muốn diệt cho tận gốc rễ vì nhìn nó thật đáng ghét, nó chèn ép bụi lúa, nó hút hết phân, hết chất dinh dưỡng của đất. Nhớ lại câu hỏi của người đầy tớ trong trang Tin mừng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Ông đáp: kẻ thù đã làm đó. Đầy tớ nói: vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? Ông đáp: Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa, cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt”(Mt 13, 27-30). Nhìn lại mảnh đất tâm hồn, nơi đó cũng có lắm cỏ lùng mà ma quỷ đã gieo vào. Đó là những thói hư tật xấu, là tội lụy, là mỏng dòn yếu đuối của phận người, là những thách đố của ba lời khấn… tất cả những điều đó tôi cũng muốn diệt cho tận gốc rễ nhưng sao khó quá, vì “Điều tôi muốn thì tôi không làm nhưng điều tôi không muốn thì tôi cứ làm” (Rm7,15). Nếu Chúa mạnh tay trừng trị thì cây lúa đời tôi đã bị bật gốc rễ từ lâu rồi.

Sau gần 4 tháng được chăm sóc, vun trồng nay đã đến ngày gặt. Từng bông hạt nặng trĩu như đang vui đùa trong nắng. Lạ lùng thay cái định luật ngàn đời của hạt lúa mì. Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó chỉ trơ chọi một mình thôi, còn nếu hạt lúa nào rơi xuống đất mà chết đi thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt. Đứng trước cánh đồng lúa chín, ánh lên màu vàng tươi hứa hẹn một vụ mùa tươi tốt,lòng tôi trào dâng một niềm vui khó tả, vì nhìn thấy tình yêu Chúa thật diệu kỳ:

“Thấy kho tàng trong giọt mồ hôi
Thấy nụ cười trong từng dòng nước mắt
Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô
Thấy sáng tạo, đi lên, tình người
Yêu thương và hợp nhất
Thấy vinh quang trong khổ nhục”. (x. Thánh thi kinh sáng, ngày 1 tháng 5)

Thật quý giá thay hạt lúa mì là chính Đức Kitô đã chịu mục nát, chịu chết đi để hôm nay tôi được vui sống trong ân huệ và tình yêu của Ngài. Cũng như hạt lúa mì Giêsu, tôi ước mong mỗi ngày sống tôi được chết đi một chút cho chính mình, chết đi cho cái tôi, chết đi cho tội lỗi để ân huệ phục sinh được triển nở và thu gặt được vụ mùa bội thu.

Mười năm, không quá ngắn nhưng cũng không quá dài để nhận ra những ơn lành mà Chúa đã thương ban trên Hội dòng. Hội dòng tôi cũng là một hạt lúa bé nhỏ đã được Chúa thương gieo trồng trong mảnh đất mẹ Qui nhơn. Nơi đây, chúng tôi đã được đón nhận, yêu thương và chăm sóc cách tận tình. Tình thương Chúa đã tuôn đổ qua quý Đức cha, quý cha, cha Giuse Phạm Ngọc Tuấn, quý Dì và quý ân thân nhân xa gần. Tất cả mọi người đều hy vọng, một ngày kia, khi cánh đồng đã bước vào mùa gặt. Hội dòng tôi cũng hân hoàn reo mừng mùa lúa mới vì hạt được 30, hạt được 60, hạt được gấp trăm. Lúc ấy, ông chủ Giêsu nhân hiền sẽ nhìn chúng tôi, mỉm cười và khẽ nói: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành. Được giao ít mà anh đã trung thành thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt25,21).









Maria Bùi Thanh Huyền

Mới hơn Cũ hơn
NỮ TỲ CHÚA GIÊSU TÌNH THƯƠNG